Thứ Ba, 13 tháng 5, 2014

Học ngành CNTT ra trường làm gì?

Khối ngành Công nghệ thông tin (CNTT) luôn thu hút sự quan tâm của nhiều thí sinh, đặc biệt là các bạn có niềm đam mê về tin học, mạng máy tính... Sau khi tốt nghiệp khối ngành này, sinh viên sẽ được trang bị những kiến thức gì, làm những công việc gì, bài viết dưới đây sẽ trả lời câu hỏi đó.

Khối ngành CNTT không chiếm tỉ lệ lớn về lượng hồ sơ đăng ký dự thi hàng năm nhưng lại luôn được nhắc đến nhiều bởi sự bùng nổ của ngành CNTT. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, lượng thí sinh thi vào khối ngành này đang có xu hướng giảm, tỉ lệ chọi xuống thấp kéo theo đó là mức điểm chuẩn cũng giảm dần. Mức điểm chuẩn của các chuyên ngành trong khối ngành này năm 2011 chủ yếu là dưới 20.

1. Công nghệ thông tin



Ngành CNTT là một ngành chung, sinh viên được trang bị các kiến thức về khoa học tự nhiên, các kiến thức cơ bản như mạng máy tính, an toàn và bảo mật hệ thống thông tin, phân tích và thiết kế hệ thống thông tin, lập trình, phần mềm… đồng thời người học sẽ được lựa chọn các kiến thức các chuyên ngành chuyên sâu như Hệ thống thông tin; công nghệ phần mềm; mạng và truyền thông máy tính; khoa học máy tính. Tùy theo từng chuyên ngành mà sẽ có hướng chuyên sâu và khả năng công tác khác nhau. Khi ra trường, sinh viên được cấp bằng kỹ sư CNTT hoặc cử nhân CNTT tùy theo thời gian đào tạo. Sinh viên sau khi tốt nghiệp có khả năng tham mưu tư vấn, thực hiện các công việc trong lĩnh vực chuyên ngành như lập trình, phân tích thiết kế hệ thống, lập trình hệ thống thống tin, lập dự án xây dựng các phần mềm ứng dụng,… Tham gia công tác tại các cơ quan trong và ngoài nước có liên quan đến lĩnh vực CNTT, các công ty phần mềm, mạng.. các phòng chức năng trong các cơ quan, công ty, trong tâm phụ trách CNTT, hệ thống quản trị; tham gia giảng dạy và nghiên cứu tại các trường ĐH,CĐ,TCCN có đào tạo ngành hoặc chuyên ngành về CNTT.

2. Khoa học máy tính


Đây là ngành nghiên cứu các cơ sở lý thuyết về thông tin và tính toán cùng sự thực hiện và ứng dụng của chúng trong các hệ thống máy tính. Khoa học máy tính có học phần/chuyên ngành chuyên sâu, một số chuyên ngành nhấn mạnh vào việc tính toán các kết quả cụ thể (chẳng hạn đồ họa máy tính), trong khi các chuyên ngành khác lại liên hệ đến tính chất của những vấn đề có thể giải quyết được dùng phương pháp máy tính, (ví dụ như Lý thuyết độ phức tạp tính toán). Còn lại những chuyên ngành khác thì tập trung vào những khó khăn trong việc thực thi những phương pháp dùng để tính toán, lấy ví dụ, ngành Lý thuyết ngôn ngữ lập trình chẳng hạn. Đây là chuyên ngành nghiên cứu những phương thức khác nhau tiếp cận việc mô tả cách tính toán, trong khi ngành Lập trình ứng dụng những Ngôn ngữ lập trình cụ thể để giải các bài toán.

Một số trường đào tạo ngành Khoa học máy tính: Đại học Công Nghệ - ĐHQGHN, ĐH Bách Khoa HN, ĐH Công Nghiệp Hà Nội, ĐH Hà Nội, ĐH Kinh Tế Quốc Dân, ĐH Quốc tế Sài Gòn, Đại Học Thành Đô…

Sau khi tốt nghiệp sinh viên ngành Khoa học máy tính có thể đảm nhận các vị trí xây dựng, vận hành và bảo trì hệ thống máy tính trong các cơ quan nhà nước, các tổ chức kinh tế xã hội, các doanh nghiệp;Các công ty phần mềm, xây dựng website, gia công phần mềm, các công ty tư vấn về lĩnh vực CNTT, các công ty tư vấn và bản trì về mạng và các thiết bị máy tính…, làm việc tại các trung tâm nghiên cứu, viện khoa học công nghệ, tham gia giảng dạy tại các trường ĐH,CĐ có đào tạo chuyên ngành.

3. Hệ thống thông tin


Đây là một chuyên ngành tương đối mới, nhiều sinh viên học năm 1, năm 2 của ngành vẫn chưa hiểu sau này ra làm gì? Công tác ở đâu?

Trước hết, các bạn cần hiểu, hệ thống thông tin là sự kết hợp của phần cứng, phần mềm và mạng truyền thông được xây dựng và sử dụng để thu thập, tạo, và phân phối các dữ liệu, thông tin và tri thức hữu ích một cách đặc trưng trong bối cảnh của tổ chức. Các tổ chức sử dụng các hệ thống thông tin với nhiều mục đích khác nhau: đạt được lợi thế cạnh tranh, nắm bắt được nhiều khác hàng hơn hoặc cải tiến dịch vụ.

Sinh viên tốt nghiệp ngành Hệ thống thông tin có thể làm việc ở nhiều vị trí khác nhau: Phân tích viên hệ thống (systems analyst), tích hợp hệ thống (system integrator), quản trị cơ sở dữ liệu, phân tích hệ thống thông tin; Quản trị hệ thống thông tin trong cơ quan, xínghiệp; Lập trình quản lý cơ sở dữ liệu; Quản lý cơ sở dữ liệu, hỗ trợ ra quyết định cho lãnh đạo; Đào tạo và hướng dẫn các nhân viên ở các bộ phận khác sử dụng thông tin và hệ thống một cách có hiệu quả; Đảm nhận vai trò của một CIO (giám đốc thông tin); Cán bộ quản lý dự án trong các hướng ngành đang có nhu cầu rất lớn của xã hội: giáo dục điện tử (elearning), thương mại điện tử (e-commerce), chính phủ điện tử (e-government), các hệ thống thông tin địa lý (GIS)... Nghiên cứu viên, giảng viên.

4. Mạng máy tính và truyền thông


Người học được trang bị kiến thức về kỹ thuật truyền tin mạng diện rộng, mạng cục bộ, hệ cơ sở dữ liệu phân tán, kỹ năng thiết kế, cài đặt, phát triển ứng dụng các mạng tin học viễn thông.

Ngành mạng máy tính và truyền thông đào tạo kỹ sư nắm vững kiến thức cơ bản và chuyên sâu về ngành nghề, đáp ứng yêu cầu về nghiên cứu, ứng dụng, có khả năng thiết kế chế tạo, bảo trì, sản xuất, thử nghiệm, quản lý các hệ thống mạng máy tính và truyền thông.

Sinh viên tốt nghiệp có khả năng đảm nhận các chức năng tham mưu, tư vấn, tổ chức thực hiện nhiệm vụ với tư cách là một chuyên viên trong lĩnh vực CNTT.

5. Ngành kỹ thuật máy tính


Ngành này đào tạo kỹ sư ngành kỹ thuật máy tính nắm vững các nguyên lý cơ bản và thực tiễn trong lĩnh vực kỹ thuật máy tính, đặc biệt là lĩnh vực thiết kế vi mạch.
Sau khi hoàn thành chương trình, kỹ sư ngành kĩ thuật máy tính có khả năng nghiên cứu và thiết kế các bộ phận chức năng của máy tính, tham gia làm việc trong các dự án sản xuất các thiết bị máy tính cho các tập đoàn lớn trên thế giới đã đầu tư vào Việt Nam như: Intel, IBM, Samsung, Nidec…

6. Ngành kĩ thuật phần mềm



Ngành kĩ thuật phần mềm trang bị cho sinh viên kiến thức tổng quát về qui trình xây dựng, quản lý và bảo trì hệ thống phần mềm; có khả năng phân tích, thiết kế và quản lý các dự án phần mềm; cung cấp phương pháp luận và công nghệ mới để sinh viên có thể nắm bắt và làm chủ các tiến bộ khoa học.

Sinh viên được cung cấp kiến thức cơ bản về tổ chức và quản lý công nghệ phần mềm để có khả năng xây dựng mô hình và áp dụng các nguyên tắc của công nghệ phần mềm vào thực tế.
Nguồn: http://www.laptrinhmaytinh.net/

0 nhận xét:

Đăng nhận xét